Ngày nay, còn khá nhiều bạn vẫn nghĩ người trưởng thành là người phát triển về mặt thể chất, dày dặn độ tuổi và kinh nghiệm sống. Thế nhưng, nếu xét theo góc độ thực tế ngoài đời, chắc chắn bạn sẽ nhận thấy rằng ngay cả học sinh cấp một, cấp hai, tuy tuổi đời non trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc và đời sống, nhưng lối tư duy, suy nghĩ và hành động của các em lại chẳng khác gì so với “người lớn”.
Vậy qua hai góc nhìn trên, bạn có thắc mắc rằng ý nghĩa thực sự của trưởng thành là gì không? Nếu có thì hãy mau tham khảo qua bài viết dưới đây để tìm ra lời giải đáp cho mình nhé!
Trưởng thành là gì? Là sự phát triển một cách toàn diện về thân hình, vóc dáng, hình thái bên ngoài lẫn nhận thức, suy nghĩ, tư tưởng bên trong. Chẳng những vậy, người trưởng thành là người thích nghi tốt với mọi điều kiện môi trường sống, biết cách hành xử, phát ngôn theo đúng với chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội. Đồng thời, họ sống có trách nhiệm với bản thân và mọi người xung quanh, không dựa dẫm, ỷ lại vào bất kỳ ai.
Bạn hiểu khái niệm người trưởng thành là gì không?
Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao mỗi người chúng ta càng lớn lên, thì càng mất dần đi sự hồn nhiên, ngây thơ, lạc quan, yêu đời, ung dung tự tại, vô lo vô nghĩ như thời thơ bé không. Bởi chính thời gian, môi trường sống, “vòng xoáy kim tiền” và va chạm, chông gai của cuộc đời đã buộc bạn phải “trưởng thành” để có thể thích ứng với những điều đó. Nếu bạn cứ sống mãi trong “vỏ bọc” của một đứa trẻ, thì chắc chắn bạn sẽ nhanh chóng bị “đào thải” ra khỏi quy luật tồn tại chung này.
Vậy ý nghĩa của trưởng thành là gì? Trong thời kỳ đổi mới, hiện đại như hiện nay, định nghĩa về người “trưởng thành” đã không còn gói gọn trong tuổi tác, thân hình, thể chất, giới tính, chức vụ, địa vị và quyền thế trong xã hội nữa rồi. Mà nó còn phải được thể hiện thông qua thái độ, hành vi, nhận thức, cách hành xử, phát ngôn sao cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức, văn hóa xã hội.

Người trưởng thành là người có khả năng thích nghi tốt với mọi điều kiện sinh sống, phát triển toàn diện về nội tâm bên trong và cả vóc dáng bên ngoài. Phải có trách nhiệm với bản thân, biết phân định phải trái, đúng sai và chấp nhận thực tại. Không sống phụ thuộc, bám víu vào ai quá nhiều, tự tin bước đi bằng chính đôi chân của mình và không ngại đối mặt với khó khăn, gian khổ.
Làm cách nào để trở thành một người trưởng thành
Bạn có thể thấy một cái cây cổ thụ, muốn trưởng thành, trở nên to lớn, đứng vững chắc trước giông tố, bão bùng thì cần có cả một quá trình hình thành và phát triển trong thời gian dài. Ngay cả con người cũng không ngoại lệ, tất cả đều phải trải qua những biến đổi cấu tạo cơ thể, sự “thăng trầm” trong cuộc sống, tự bản thân rút ra kinh nghiệm sống và thay đổi tư duy thì mới phát triển lớn mạnh được.
Vì thế, nếu bạn muốn bản thân ngày càng tiến bộ, trở thành người trưởng thành về cả thể chất lẫn nhận thức thì nên học hỏi qua các nguyên tắc sau:
Không ngừng học hỏi
Con người chúng ta kể từ khi vừa mới sinh ra đời, đã được sống trong cái “vỏ bọc” do chính cha mẹ tạo ra. Nhưng, nếu bạn cố gắng “phá kén”, để chui ra khỏi “chiếc vỏ” này, đổi mới tư duy, khám phá, học hỏi, tiếp thu thêm nhiều kiến thức ngoài xã hội để nâng cao trình độ chuyên môn. Sống có chính kiến, tư tưởng không đi theo lối mòn và cũng không dễ dàng bị người khác tác động, làm lung lay ý chí, thì ắt hẳn bạn sẽ càng chín chắn, trưởng thành hơn trong nhận thức.
Kiểm soát tốt cảm xúc
Thực ra mà nói, ai ai cũng chất chứa trong lòng “cái tôi” khá cao, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh mà nó được bộc lộ ra nhiều hay ít mà thôi. Tuy nhiên, người mà biết kiểm soát tốt cảm xúc, “cái tôi” mới chính là người khôn ngoan và có đầy sự bản lĩnh. Khi gặp bất kỳ sự cố hay mâu thuẫn nào đi chăng nữa, thay vì tỏ ra nóng giận, bực tức, chửi rủa, bạn nên điều tiết tốt cảm xúc để không tự kéo giá trị, phẩm chất của mình đi xuống. Đồng thời, bĩnh tĩnh tìm ra phương hướng giải quyết êm đẹp, thuận cả đôi đường.

Hiểu được mục đích sống của bản thân
Người trưởng thành luôn biết đặt ra mục tiêu sống, hiểu rõ bản thân muốn gì và cần phải làm gì để đạt được những mục tiêu đó. Thế nên, bạn hãy chủ động trong việc tự lên kế hoạch cho cuộc đời mình mà không cần sự can thiệp của bất cứ ai. Kiên định, vững tin theo đuổi đam mê, lý tưởng tốt đẹp và không dễ gục ngã khi gặp thất bại. Ngoài ra, việc xác định mục đích sống chính là “kim chỉ nam” giúp bạn có thể thuận lợi giải quyết bao trở ngại trên cuộc đời.
Luôn sống đúng với bản chất thật của mình
Trưởng thành là khi bạn sống đúng với con người thật của mình, không giả tạo, gian dối nhằm lấy lòng, nịnh hót người khác. Bởi lối sống “thảo mai” sẽ khiến cho bạn cảm thấy khó chịu vì phải đeo nhiều “lớp mặt nạ” khác nhau sao cho phù hợp với từng hoàn cảnh. Cho nên, nếu không muốn trở thành một kẻ “ngụy quân tử”, bạn hãy tập sống tự tin, mạnh mẽ thể hiện cá tính riêng, thẳng thắn, trung thực với mọi người, kể cả bản thân.
Biết đặt mình vào vị trí của người khác
Bạn hãy nhớ, ai cũng có cho mình một cảm xúc và thế giới quan riêng biệt. Ngay cả chính bạn cũng không muốn bị người khác chà đạp, coi thường, nên bạn cũng không có quyền gì đối xử tệ với họ. Do đó, khi xảy ra mâu thuẫn, bạn nên biết đặt mình vào vị trí của đối phương để bình tâm suy nghĩ, thông cảm và thấu hiểu cho nhau. Bởi lẽ, cho dù bạn có cố gắng hơn thua, tranh giành lợi ích thì chỉ càng làm cho mọi chuyện đi vào bế tắc, rạn nứt tình cảm hơn thôi.
Biết chấp nhận sự thật
Thực trạng hiện nay cho thấy, có nhiều bạn trẻ nghiện “sống ảo” đến mức quên luôn cả chính mình là ai và không muốn quay trở về hiện thực. Đối với người trưởng thành thì không bao giờ đi theo lối sống phù phiếm, viển vông như vậy. Vì thế, bạn nên học cách chấp nhận thực tại, dù cho nó có khắc nghiệt, khốn khó cũng không cảm thấy tự ti, mặc cảm. Bạn nên tự tạo ra động lực, không ngừng nỗ lực, quyết tâm vượt lên nghịch cảnh để có thể gặt hái thành công như mong đợi.
Sống có nguyên tắc, kỷ cương
Có một câu nói rất hay là “kỷ luật chính là sức mạnh giúp bạn đạt được những thành công tốt đẹp”. Bởi người mà sống không theo nguyên tắc, thường làm ra những chuyện vô kỷ luật, trái đạo đức. Chính vì thế, bạn hãy tự đặt ra cho mình các nguyên tắc sống và buộc bản thân phải tuân theo. Có như vậy, bạn mới có thể hình thành nên bản tính kỷ luật, nghiêm túc thực hiện các mục tiêu mà mình đề ra.

Luôn đề cao sự trách nhiệm
Mỗi người sống trên đời này đều mang trong mình một sứ mệnh, trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ. Chẳng hạn như người làm cha mẹ phải có trách nhiệm lo cho con cái. Hoặc phận làm con thì có nghĩa vụ báo hiếu, phụng dưỡng đấng sinh thành. Đó cũng chính là điều mà người trưởng thành sẽ phải gánh vác và không thể chối bỏ.
Thế nên, ngay bây giờ bạn hãy tập sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và mọi người. Khi làm sai, luôn sẵn sàng đứng ra nhận lỗi và tìm cách khắc phục, không nên đùn đẩy hay đổ tội cho người khác để “tẩy trắng” cho mình.
Sống vì bản thân
Thay vì cứ sống theo mong muốn và kỳ vọng của người khác, thì bạn nên sống cho bản thân nhiều hơn. Đừng để bất kỳ ai có quyền thay bạn quyết định sở thích, niềm đam mê, ước mơ và hoài bão của mình. Cuộc đời này vốn dĩ rất ngắn ngủi, nên chúng ta không thể cứ mãi chạy theo suy nghĩ của ai đó mà cố gắng thay đổi, để rồi đánh mất chính mình.
Chúng tôi mong rằng thông qua những thông tin được chia sẻ trong bài viết này, bạn đã hiểu được khái niệm trưởng thành là gì? Từ đó, bạn có thể thấy được quá trình để làm một người trưởng thành là không hề đơn giản, dễ dàng. Thậm chí nó còn khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi, áp lực và muốn buông bỏ hết tất cả. Nhưng bạn nên nhớ, đây mới chính là quy luật vận hành của xã hội, nếu không muốn đi “thụt lùi”, tư duy chậm phát triển thì bắt buộc bạn phải tuân thủ theo.